PTI chúc mừng ngày Lễ hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11
PTI chúc mừng ngày Lễ hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11
16/11/2021 Bản tin PTI admin
Nhân ngày Lễ hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI kính chúc quý chuyên gia/ giảng viên luôn mạnh khoẻ - giữ vững Đức trong - Tâm sáng - Trí bền cùng lòng nhiệt thành truyền giảng tri thức tới cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.
Bàn về lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, ban biên tập xin phép trích một bài viết của chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI. Bài viết sẽ mang đến những thông tin hữu ích, đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành giáo dục của nước nhà.
Triết lý giáo dục: Nhân học để nhân trị vì xã hội văn minh tiến bộ.
“Chúng ta đều biết hơn trước rất nhiều (nhờ đất nước mở cửa hội nhập) về các nền giáo dục của nhiều nước tiên tiến và các mô hình giáo dục đa dạng. Do đó rất nhiều cơ hội học tập ứng dụng. Để cải cách giáo dục, theo tôi nên với 5 nguyên tắc:
1. Phi chính trị (về đường lối).
2. Xã hội hóa (về thành phần).
3 Thị trường hóa (về giá trị).
4. Nhân trị học (về chương trình).
5.Văn minh hóa (các phương thức).
1. Nhận xét về nền Giáo dục của ta bấy lâu nay:
– Chiến lược tổng thể và dài hạn nhằm đáp ứng mục tiêu chính trị của chế độ: tạo ra con người “xã hội chủ nghĩa” trung thành với lý tưởng cộng sản. Điều đó là tất yếu khi chúng ta còn trong quan điểm “mọi thứ phải phục vụ chế độ” và hẳn nhiên mọi thứ là sản phẩm chủa chế độ (đây mới là gốc của mọi vấn đề).
– Chương trình sách giáo khoa được xây dựng mang nhiều quan điểm của nhà quản lý, quyền lợi của người làm sách…
– Nhồi cho học sinh thêm nhiều (so với trước đây) những kiến thức (gì cũng như hơi có), kỹ năng về kỹ thuật của thế giới (gì cũng như cố chạy theo sau). Vô hình chung còn rất ít thời gian và chỗ cho việc truyền thụ những phương pháp cơ bản nhất: bản thân là chìa khóa, nhưng giá trị lâu bền và giúp học sinh thoát lý công cụ: như cách tiếp cận lĩnh vực mới, tư duy sáng tạo và tập nghiên cứu…
– Thỏa mãn tâm lý “cuồng vọng tham sân si” của không ít phụ huynh (ảnh hưởng rất đáng kể, nếu không muốn nói là áp đảo những tiếng nói còn lại của những người bình thường khác trong xã hội) về “muốn cho con mình” được này, hơn nọ, là kia (so với mình, với bạn, với đời…), nên thêm các “dịch vụ” và “giá trị gia tăng” biến tướng cùng với quá trình học, gây áp lực mỏi mệt lên các giáo viên, học sinh…để rồi cùng méo mó thêm…
– Vì “tính nửa vời” cho nên các quy luật thị trường (giá trị, cung cầu, cạnh tranh…) không đúng đắn. Những thứ như là (lương giáo viên/ các loại định phí, biến phí …trong giáo dục) thiếu thấp, nhưng buộc phải (không chính thống) tìm thêm các nguồn thu và sự bù đắp bằng các cách thức thiếu minh bạch, biến tướng… phi giáo dục…Bi kịch thay: đối tượng của những điều đó lại chính là “các học sinh thân yêu”.
2. Các “chiêu thức” từng đã và đang diễn ra trong nền giáo dục
– Theo đuổi thành tích của các nhà quản lý về hoạt động của các trường, lây lan đến mức “thâm căn cố đế”…cho đến các hiệu trưởng và thày cô giáo, học sinh..
– Các hình thức “thí điểm” và “tạo gà nòi” như “trường chuyên” (vốn không nhiều lắm)… rồi biến dị quy mô hơn sang muôn dạng “lớp chọn” (ở mọi trường).
– Sinh ra những thi cử cùng hệ thống “điểm giả” … tạo thành những “bon chen”, gán cho học sinh những “hư danh”, dựng nên những “tiêu biểu” …
– Trường và thày cô hợp tâm góp mẹo nghĩ ra muôn cách khiến học sinh “phải học thêm” và “tự nguyện học thêm”: giành giật nốt thời gian hữu ích khác của tuổi thơ.
(*) Chưa kể hậu quả của muôn vàn tiêu cực mà chính các thày cô phải chịu (ở địa phương và ở trường) cốt để có nơi làm việc, có giờ để giảng, được tiếp nối hợp đồng…Những điều gì khiến ai được chủ biên giáo trình, được có tên trong sách giáo khoa…thì cả nước cũng đều đã biết…
3. Nền giáo dục phải định hướng “NHÂN HỌC để NHÂN TRỊ”
– “Nhân học để Nhân trị” ở đây là: từng học sinh cần là từng Cá thể được xem là đối tác trung tâm và xuyên suốt của giáo dục: tạo nên con người cho xã hội văn minh tiến bộ. Học sinh được tôn trọng đúng đắn (giới tính, bản sắc, tôn giáo, khả năng, sở thích, lứa tuổi…) về mặt xã hội và quy luật, để kiến tạo nên những Con người tương lai biết: quản trị bản thân, tự học, sống tốt, hợp tác, xây dựng, vì cộng đồng, làm hữu ích…một cách thuận hợp với nhu cầu phát triển tiến bộ, hội nhập văn minh của Đất nước. Những gì tốt nhất của Đất nước phải giành cho giáo dục, những gì quý nhất là giành cho con trẻ! Hy vọng cao nhất của Đất nước phải thể hiện ở sự đầu tư hạng nhất cho giáo dục và học sinh để Đất nước “sánh ngang các cường quốc năm châu”
Phương châm giáo dục nên là:
- Cần “phi chính trị hóa” nền giáo dục, chẳng hạn bắt học sinh từ sớm đã phải học những nội dung liên quan đến chính trị, hoặc bị dẫn dắt bới các quan điểm chính trị, phải theo đuổi những mục tiêu/ tiêu chí chính trị áp đặt vào tuổi học trò.
- Được trang bị những kiến thức nền tảng, thiết yếu suốt đời để tự phát triển bản thân như (toán học, văn học, đạo đức học, vật lý, hóa học, địa lý, lịch sử, triết học, mỹ học) phù hợp với từng cấp học.
- Gia tăng hướng đạo học sinh vào các hoạt động học tập phụ trợ, ngoài giời ngồi học trên lớn như: thực hành lao động tại (nhà xưởng, hiện trường, tiền học nghề cơ bản như nông nghiệp, cơ khí, hóa sinh…).
- Không lạm dụng việc cho học sinh sử dụng sớm và nhiều những công cụ kỹ thuật cao, mà định hướng vào phương pháp tư duy, cách tự tiếp cận lĩnh vực mới, tập nghiên cứu khoa học, kích thích sáng tạo, phát kiến nhỏ.
- Rèn luyện phẩm chất, ý thức, nhân cách, tự lập, kỹ năng sống sống …bằng thúc đẩy những thể nghiệm và bày tỏ cá nhân trong các hoạt động nhóm, các sinh hoạt và tham gia cộng đồng hữu ích…
- Các chương trình picnic, homestay, cắm trại…do học sinh và thày cô giáo cùng lập kế hoạch, nhằm xây dựng ý thức , tình cảm, thái độ và sự đóng góp cho ý nghĩa mục tiêu chung của học tập dã ngoại.
Và kiến tạo môi trường giáo dục:
- Nhà trường được ưu tiên lựa chọn, xây dựng tại các địa điểm càng gần cận với thiên nhiên càng tốt (xa những nơi như chợ búa, nhà xưởng, tòa án, giao thông nhộn nhịp…). Hoặc kiến tạo nên những yếu tố thiên nhiên trong không gian trường.
- Trong trường học bao gồm các khu vực cơ bản như: lớp học, thư viện, thể dục thể thao, học nghề, các câu lạc bộ, chuỗi dịch vụ liên quan đến học tập và ngoại khóa như các của hàng miến thuế về đồ dùng, dụng cụ học tập, thể dục…
- Cùng thời gian đi làm việc của phụ huynh, nhà trường rất nên có đủ cơ sở hạ tầng và phụ trợ để tiếp nhận được học sinh cả ngày tại trường, với các nhu cầu liên quan chính yếu được đáp ứng, và cho thời gian “học sinh với nhau” là rất cần thiết.
(*) VỀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC:
Theo tôi nên với những nguyên tắc:
- Phi chính trị (tạo dựng “con người chế độ”) .
- Xã hội hóa (nhiều thành phần có thể tham gia).
- Thị trường hóa (đúng quy luật giá trị).
- Nhân trị học (chương trình phát triển con người toàn diện).
- Văn minh hóa (áp dụng các phương thức tiêu chuẩn và tiến bộ).”
Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI.