Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh - Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI phát biểu tại 'Lễ tôn vinh sự học doanh nhân' PTI HN

 

 

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh - Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

 

Kính thưa các bạn!
Chúng ta bàn về sự đổi mới, thì đương nhiên tất cả những hoạt động, suy nghĩ và hành vi của chúng ta xuất phát từ cái đầu, suy nghĩ hướng thượng, có nghĩa là sự vươn lên, học hỏi các quy luật và mang đạo lý.

Đối với khuôn khổ của chúng ta, là doanh nghiệp, là người trưởng thành, những người có ích lớn lao trong xã hội, đó còn là cả sứ mệnh nữa.  
Khi sứ mệnh đủ lớn, thì chúng ta mới chạm tới bậc thánh thần. 


Tôi đọc lại những câu thơ của Tố Hữu:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
- - -
Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa.

 

Ý của điều này là gì?


Chúng ta không bàn đến chuyện chính trị, nhưng chúng ta bàn đến sứ mệnh lớn lao thì mọi sự có thể là mưu cầu được, mọi sự có thể đủ lực hấp dẫn của nó, trong sự ủng hộ của thiên địa nhân và chúng ta mới có thể đi qua những cái nhỏ nhặt của cá nhân và có thể hành trình lớn lao trên đường đời đầy khổ nạn và gian truân. 


Chúng ta phải canh tác “cánh đồng não” của mình theo luật nhân quả. Chúng ta mong muốn lúa, thì chúng ta phải gieo lúa, phải chuẩn bị cánh đồng để trồng lúa và những kiến thức của việc trồng lúa. Chúng ta mong muốn sự tăng trưởng và phát triển của doanh nhân thì chúng ta phải thực hiện luật nhân quả của “gieo cái gì gặt cái đó”, đó là tri thức.


Tri thức tiềm năng ở 140 tỷ tế bào Neuron thần kinh của chúng ta.  Ở trong đó, trước hết phải là sự chân phương, chân thành. Ở trong đó, trước hết là một sự lung linh của kim cương, là một khả năng học tập mọi lúc mọi nơi. 


Chúng ta nói đến sự vượt khó, thì câu truyện cổ ngày xưa nói đến hình ảnh của con cá chép vượt vũ môn và qua mỗi một cửa thì sóng cao hơn, cửa cao hơn và những rào cản mà chúng ta phải đi qua từ địa phương đến toàn cầu, từ đất nước đến hội nhập, đó là những rào cản của luật lệ, của kỹ thuật công nghệ, của chính bản thân chúng ta, của những thách thức cạnh tranh và của những giới hạn mới. 


Chúng ta không sợ khi chúng ta có đầu óc, không ngại khi chúng ta có tổ chức, không lùi bước khi chúng ta đi cùng với sự hợp tác, hội nhập, với sứ mệnh và niềm tin vào những điều lớn lao.

 

Có những điều rất quan trọng đối với nhà quản lý và doanh nhân đó là chỉ số về sự thông minh cảm xúc EI (Emotional Intelligence), sự thông minh cảm xúc nó thể hiện ở chất lượng mà chúng ta nghĩ về cuộc sống như thế nào? Chúng ta rung động với cả những sự thay đổi của tần số lạc quan ra làm sao? Chúng ta đón đợi cái mới với một sự hào sảng, chúng ta quan tâm đến người khác và xã hội, bản thân điều đó đã có trong ta chất lượng và sự thông minh về cảm xúc, bởi vì tình yêu của chúng ta, bởi những khát vọng và những điều mong muốn tốt lành của chúng ta, đấy chính là cội nguồn và tạo nên năng lượng tuyệt vời của chất lượng cảm xúc, trí tuệ cảm xúc.


Một chỉ số rất quan trọng nữa là chỉ số Trách nhiệm xã hội toàn diện (SA), bởi vì không có một ai có thể đi qua được nhân gian này mà lại có thể vị kỷ, khi mang sứ mệnh lớn lao như câu thơ tôi vừa nói, thì xin thưa là thiên địa nhân sẽ ủng hộ chúng ta, khi chúng ta trách nhiệm xã hội toàn diện thì giống như năm ngón tay “Win-Win-Win-Win-Win”, chúng ta đã trả lời, đã giải quyết và như vậy những lợi ích, những thứ còn lại ở trong bàn tay của chúng ta mới giữ được. 


Trong sách Talmud của người Do Thái có một câu rất hay rằng: cái gì thuộc về bạn bởi do bạn làm ra nó, bởi nhân quả quá trình của nó là tốt lành, bởi vì những điều xã hội mong đợi và chào đón ca ngợi, điều này đã thể hiện trong tiến trình hội nhập và mở cửa của chúng ta rất rõ ràng. Chúng ta không bao giờ có thể thấy một doanh nhân nào vị kỷ mà có thể đi dài được trong con đường nhân gian, trong sự cộng tác, hợp tác và hội nhập.

 

Một chỉ số rất quan trọng nữa là chỉ số về đạo đức MQ (Moral Qualification), chỉ số về đạo đức thực sự nó làm nên thương hiệu và vị thế của chúng ta, là một giá trị phổ quát toàn cầu, từ điều này chúng ta mới hiểu rằng có thương hiệu thì tài sản của chúng ta mới có thể mở mang, mới có thể thanh khoản, mới có sự ủng hộ của thiên hạ và của người khác.


Kính thưa các bạn!
Các bạn ngồi đây là nhà quản lý và giới doanh nhân, xin thưa rằng có một điều trở thành phẩm chất kim cương của các bạn, tôi tạm gọi là phẩm chất kim cương của các doanh nhân và quản lý đó là chúng ta phải trở thành một người đáng tin, điều này thực sự là vô cùng quan trọng, đáng tin ở chỗ chúng ta có lòng tin của chính mình và chuyển hóa thành niềm tin của các bạn xung quanh cùng làm với chúng ta, và đội trên đầu bằng cái thứ giao lưu vì cả vũ trụ đó là đức tin.  


Niềm tin, lòng tin, đức tin củng cố chúng ta trên con đường hành trình gian khó. Chúng ta trở thành một người đáng tin là bởi chúng ta nung nấu và lựa chọn con đường bằng tất cả sự chân - thiện - mỹ, bằng tính chuyên nghiệp, chuyên tâm, chuyên cần. Bằng việc nói và làm phải đi đôi với nhau, những điều tốt đẹp. Chúng ta trở thành một người đáng tin là khi chúng ta có được ý thức sâu sắc về giá trị trên đời này cần chữ tín như thế nào, cho nên mới có câu rằng “mất tiền là mất thứ còn làm lại được bất cứ lúc nào, mất sức khỏe là mất rất lớn, mất quan hệ là mất rất rất rất nhiều, mất niềm tin, đức tin là mất không còn gì nữa”. 


Các bạn phải trở thành người đáng tin ở con đường mà bạn đã chọn, ở cách bạn thể hiện, ở những việc bạn làm, ở những thứ mà bạn cư xử. Điều này có thể chúng ta không cần phải giỏi lắm, không cần thông minh lắm, nhưng mà những lực lượng lớn sẽ bên cạnh chúng ta và cuối cùng ủng hộ chúng ta. 


Kính thưa các bạn! 
Chủ đề của chúng ta “Doanh nhân và đổi mới sáng tạo mở”, xin thưa rằng não của chúng ta ở tầng thấp nhất của nó là ghi nhớ, giống động vật cũng có thể ghi nhớ, cái cây có thể ghi nhớ, một vật liệu thông minh bây giờ cũng có thể ghi nhớ, máy tính có thể ghi nhớ. 


Tầng trên của nó là định kiến, do tâm lý xã hội, do không gian sống của chúng ta, do những gì chúng ta được trải qua trong quá khứ. 


Tầng thứ 3 là tầng ý tưởng, suy nghĩ về những điều mới có thể nó không mới bằng cách thức mới. 


Tầng thứ 4 là tầng giải pháp, để chúng ta có thể có mọi thứ mà tạo hóa không sẵn có nhưng chúng ta tạo ra được. 


Những người sinh ra giải pháp là những người vượt qua khó khăn, vượt vũ môn, vượt qua thách thức và đó là người tích cực và thành công.
Tầng thứ năm là tầng tư tưởng, để từ những suy nghĩ của chúng ta có thể trở thành sản phẩm dịch vụ.


Định lý của Nit, nhà triết học nổi tiếng của Đức đã nói rằng: Tất cả những gì trong đầu chúng ta nghĩ mà khi nó được soi sáng bởi đức tin và khoa học thì thế nào nó cũng trở thành khả thi và rất khả thi khi chúng ta bằng một lộ trình hành động mục tiêu với sự nung nấu ý chí đủ lớn.


Kính thưa các bạn! 
Thế giới và ngay trong gia đình, bản thân chúng ta có rất nhiều sự thay đổi. Đó là quá trình tất yếu, không ai có thể quay ngược được lại nó trong chiều thời gian, không ai có thể từ chối sự thay đổi. Chúng ta hãy vui thích với sự thay đổi, chúng ta đi cùng sự thay đổi, nắm bắt sự thay đổi để biến những vận hội thành cơ hội, chúng ta thay đổi mạnh hơn, xa hơn, cao hơn. Chúng ta thay đổi để những người xung quanh chúng ta được hưởng lợi của những gì mà chúng ta đã tạo ra và đạt được.


Nghề doanh nhân quản trị, đó là nghề “phúc đẳng hà xa” vì bạn đã tạo ra rất nhiều của cải xã hội, những công ăn việc làm và những đồng thuế nộp vào ngân sách.


Bạn sẽ thấy rằng trong một vạn người dân, bình quân chỉ có 3 Bác sĩ, 2 Luật sư, 2,5 Nhà báo, 1 Cơ trưởng máy bay, 5 Quân nhân, nhưng một vạn dân có đến cả trăm doanh nhân, điều này nói lên sự thật rằng làm doanh nhân không hề khó, nhưng làm doanh nhân là phải dùng tinh hoa của mình, nỗ lực của mình trọn đời những gì theo đuổi, bởi những thứ tốt hơn – mạnh hơn – xa hơn – cao hơn, để bạn chuyển hóa được vào trong thực tế làm ra sản phẩm dịch vụ của mình. 


Cuộc đời rất ngắn, không thể đủ dài để mưu cầu cái gì hoàn hảo nhất và tuyệt đối, nhưng đủ ngắn để mỗi chúng ta có thể tìm mỗi ngày một thành tựu, một công quả. Chúng ta không chỉ tạo ra tài sản mà phải tạo ra di sản, tức là những giá trị tinh thần, học thuyết, luận điểm và những tiến bộ về tư tưởng để cho những thế hệ sau.

 

Ngày xưa có câu “Vô sản toàn cầu, đoàn kết lại!” trong cương lĩnh chính trị của  Marx và Engels, nhưng hôm nay chúng ta có câu “Doanh nghiệp toàn cầu, hợp tác lại”. 


Thưa các bạn!
Tất cả chúng ta đều có chỗ, định vị được trên thị trường với điều kiện: Thứ nhất là chúng ta phải đem toàn bộ sự tử tế lương thiện ra. Thứ 2 phải là tạo ra những sản phẩm tiêu chuẩn, bằng những lao động quản trị chuyên nghiệp. Thứ 3 là giá trị hữu ích, phổ biến toàn cầu. 


Trên thế giới xấp xỉ 8 triệu dân, đất nước chúng ta gần 100 triệu người, chúng ta có đủ chỗ cho tất cả. Khi chúng ta thấy những hiện tượng tiêu cực ở đâu đó thì chúng ta thấy một sự thật rất lớn lao rằng: những nhân quả tốt thực sự mới truyền đời, những nhân quả tốt thực sự mới phúc đẳng hà sa, những nhân quả tốt thực sự mới có thể tương lai được cho Tam đời, Cửu trùng của Đất nước mình, của con cháu mình.


Hôm nay, các bạn đến đây với sự trật tự, ngay ngắn, lịch sự và những hân hoan, 
Tôi không nói được điều gì hơn là xin cảm ơn các bạn và chúng ta hãy biến những tình cảm tốt đẹp của chúng ta thành hành động tuyệt vời vì chúng ta, vì gia đình và đặc biệt là vì Tổ Quốc.


Xin cảm ơn!

 

 

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh - Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI


© Copyright 2022-2024 TỔ CHỨC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO PTI. Thiết kế bởi Zozo