(Báo DĐDN) Doanh nhân Triệu Văn Dương: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”

(Báo DĐDN) Doanh nhân Triệu Văn Dương: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”

07/04/2021       Báo chí viết về PTI       admin

https://enternews.vn/doanh-nhan-trieu-van-duong-kinh-doanh-la-phung-su-xa-hoi-98942.html

ENTERNEWS.VN (DĐDN) - Bằng những trải nghiệm thực tế từ những chương trình đào tạo dành cho cấp quản lý từ chiến lược, nhân sự, tài chính, đến marketing, bán hàng... tại các quốc gia phát triển như Singapore, Malaysia, Hong Kong... ông Triệu Văn Dương – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục PTI đã ấp ủ ước mơ xây dựng một môi trường đào tạo dành cho giới doanh nhân tại Việt Nam với sự giảng dạy của những chuyên gia Việt Nam.

 

Ông Triệu Văn Dương - Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

 

Thưa ông, Tổ chức Giáo dục PTI được ông và các cộng sự thành lập với mục tiêu đào tạo thiết lập một cộng đồng Doanh nhân – Doanh trí – Doanh tài để phục vụ đất nước?

Đây đúng là tư tưởng xuyên suốt của tôi cũng như ban lãnh đạo Tổ chức Giáo dục PTI. PTI được hình thành vào năm 2008 - đúng thời kì kinh tế thế giới suy giảm, bất ổn. Lúc ấy, có rất nhiều doanh nhân nhận thức được vấn đề. Nhiều người đến các lớp học để tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao mình lại thất bại? Hay tại sao mình thành công?

Tôi và những cộng sự của mình từng được tham gia các chương trình đào tạo trong các trường đại học danh tiếng như: Đại học Havard Hoa Kỳ, Đại học Quản trị Kinh doanh Anh quốc, Học viện Quản lí lãnh đạo Anh quốc...

Khi nhìn về đất nước mình, chúng tôi tự thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ khó phát triển khi những doanh nhân Việt Nam điều hành doanh nghiệp mà không có sự phân vai rõ ràng. Thông thường các Giám đốc kiêm hết tất cả các mảng: nhân sự, kinh doanh, marketing, hành chính...

Vì lòng tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm với cộng đồng tôi và các cộng sự quyết định thành lập Tổ chức Giáo dục PTI trong đó có Trường đào tạo Doanh nhân PTI là nòng cốt... Tại thời điểm đó mô hình đào tạo doanh nhân hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam nên sự thành công hay thất bại sau quyết định của chúng tôi là ranh giới hoàn toàn mong manh. PTI có được ngày hôm nay cũng đã phải trải qua không ít sóng gió và nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức.

- Những chương trình đào tạo mà PTI mang đến cho học viên được đánh giá là hội tụ rất nhiều giá trị. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Một chương trình đào tạo doanh nhân ở nước ngoài thường kéo dài trong khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng,chi phí sinh hoạt như: tiền ăn, tiền ở, tiền di chuyển... là rất cao,có thể lên tới hàng trăm triệu cho một khóa học. Vì vậy PTI đã Việt Nam hóa những chương trình đào tạo đó, lúc đầu cũng rất khó khăn bởi nếu đưa nguyên như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam rất khó áp dụng.

Hội đồng chuyên gia của PTI phải mất một thời gian dài nghiên cứu, chắt lọc những tinh hoa tri thức phù hợp với môi trường Việt Nam. Các chương trình đào tạo khoảng 2 năm được nén lại thành chương trình đào tạo 4 tháng và 6 tháng dành cho doanh nhân Việt Nam.

Những giá trị mà PTI mang đến cho học viên ở đây không chỉ là những kiến thức cốt lõi luôn được cập nhật, những kỹ năng lãnh đạo, quản lý quan trọng nhất mà còn là sự tiết kiệm về thời gian, về tiền bạc (phóng viên- mức chi phí đào tạo tại PTI chỉ bằng ¼ cho đến 1/6 so với các trường ở nước ngoài). Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của PTI được tổ chức vào các buổi tối hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần cho nên rất phù hợp với các doanh nhân Việt Nam.

- Mặc dù đất nước đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng nhưng có lẽ nhóm từ “hội nhập” vẫn là chỉ một “khái niệm đang được định nghĩa” với người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Để một gia đình người Việt Nam nói về TPP hay ASEAN thì điều đó là không thể, hỏi một bạn sinh viên ngành kinh tế: em hiểu thế nào về TPP, AEC? thì bạn ấy cũng lắc đầu trả lời không rõ. Nhưng trên thực tế thì TPP và AEC đã vào Việt Nam từ lâu rồi. Bằng chứng là cónhiều doanh nghiệp bị phá sản, tỷ lệ phá sản trên 20% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.Đối tượng thất nghiệp nhiều hơn, các bạn đi tìm việc khó hơn. Các bạn bị cạnh tranh với các nguồn nhân lực của nước ngoài, ví dụ FPT những năm qua đã tuyển những lao động từ Thái Lan, Philippines, Singapore sang để làm việc, quản trị về công nghệ thông tin. Đến một lúc thậm chí người giúp việc họ cũng không sử dụng người Việt Nam nữa.

Như chúng ta đã biết Việt Nam là nước thứ 150 gia nhập WTO và WTO không còn là sân chơi chất lượng nữa. Chính vì thế mà TPP ra đời, là sân chơi đẳng cấp hơn có sự chọn lựa hơn, chiếm gần 40% GP toàn cầu. Việt Nam là một trong 12 thành viên đầu tiên tham gia vào hiệp định này. TPP cũng sẽ loại bỏ một số quốc gia không phù hợp. Tương lai chúng ta sẽ có những sản phẩm made in ASEAN và nguồn nhân lực ASEAN sẽ dao động chạy xung quanh 12 quốc gia này.

Hiện nay có hàng trăm công ty nước ngoài tìm mua lại các công ty Việt Nam. Họ mua lại công ty với hai lí do. Thứ nhất để có ngay thị phần. Họ nhập và bán sản phẩm từ nước họ qua. Sau đó, họ có thể sản xuất tại Việt Nam, bán những sản phẩm của Việt Nam nhưng thực chất ông chủ là người nước ngoài rồi xuất khẩu sang các thị trường của TPP để được giảm thuế, mang lợi nhuận về nước. Việt Nam chỉ có một chút lợi gia công. Từ đó, người Việt Nam chỉ là những người làm thuê và câu chuyện này sẽ hết sức bình thường trong khoảng thời gian 2,3 năm tới.

- Vậy ông và Tổ chức Giáo dục PTI đã có những hành động gì để góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu và chủ động hơn trong hội nhập?

Gần đây truyền thông đã nói nhiều hơn về vấn đề hội nhập giúp cho người dân và giới chủ doanh nghiệp quan tâm và hiểu hơn về vấn đề này. Với PTI, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội thảo, small talk, chuyên khảo... về hội nhập, về các hiệp định thương mại tự do (TPP, AEC, FTA...), về xu hướng dịch chuyển kinh doanh... với sự tham gia của những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam và thế giới. Qua đó, các doanh nhân có thể hiểu sâu sắc hơn về tình hình hội nhập tại Việt Nam cũng như trên thế giới, họ cũng sẽ được giải đáp tất cả các vấn đề còn vướng mắc về chiến lược trong hội nhập của doanh nghiệp mình. Cùng với đó, các chương trình đào tạo của PTI luôn được cập nhật những tri thức mới nhất, giúp các học viên – doanh nhân vững vàng hội nhập.

Bên cạnh những chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, chúng tôi còn có những chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng anh với sự tham gia giảng dạy của chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi cũng đang làm việc với các đối tác bên Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản... để liên kết đưa các học viên của PTI sang đó đào tạo. Ngoài ra, PTI chúng tôi còn là nơi hội tụ của Cộng đồng Doanh nhân trên khắp mọi miền đất nước, cùng nhau tham gia các chương trình thăm quan, kiến tập tại những doanh nghiệp lớn trên thế giới để học hỏi, chia sẻ và cộng hưởng thành công.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)


© Copyright 2022-2024 TỔ CHỨC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO PTI. Thiết kế bởi Zozo